Ngành hóa chất lựa chọn sản phẩm chủ lực cho giai đoạn 2020-2030

Những năm gần đây, xu thế phát triển ngành công nghiệp thế giới là dịch chuyển dần các nhà máy sản xuất hóa chất đến các nước đang phát triển, Việt Nam có được nhiều lợi thế trong thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hóa chất cũng được Đảng và Nhà nước xác định là ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên phát triển.

Đây là căn cứ quan trọng để ngành hóa chất đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển, trong đó có việc lựa chọn sản phẩm chủ lực cho giai đoạn tới.

Theo đánh giá của Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, những ngành công nghiệp lớn sử dụng nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất (CNHC) làm nguyên phụ liệu đầu vào như điện tử, thép, dệt may, da giày, ô tô… đang có mức tăng trưởng tốt, thuộc nhóm các ngành được ưu tiên hoặc mũi nhọn để phát triển. Mặt khác, hội nhập kinh tế, quốc tế cũng tạo cơ hội cho ngành CNHC Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực.

Theo các tài liệu thống kê, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp do có mức độ tự động hoá khá cao. Nguồn lực về lao động tương đối dồi dào, lao động kỹ thuật được đào tạo bài bản là điều kiện để CNHC phát triển nhanh, bền vững.

Cùng với đó, nước ta có bờ biển dài và các cảng nước sâu là điều kiện cần thiết để phát triển các trung tâm, tổ hợp công nghiệp hoá chất và logistic.

Dựa trên những kết quả phân tích, Cục Hóa chất – Bộ Công Thương đã đưa vào dự thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất giai đoạn 2020 -2030, tầm nhìn 2040.

Theo đó, Chiến lược của ngành Hóa chất xác định tiêu chí lựa chọn các phân ngành, sản phẩm chủ lực phát triển trong giai đoạn tới những lĩnh vực có lợi thế so sánh để phát triển, có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn, mũi nhọn của đất nước, tham gia được vào chuỗi giá trị khu vực và thế giới, nhu cầu tiêu thụ lớn, lĩnh vực, sản phẩm cần thiết cho đảm bảo an ninh lương thực, an ninh y tế.   

Trên cơ sở đó, lựa chọn các phân ngành, sản phẩm chủ lực cho giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2040 như:

Phân ngành Hóa dầu và hóa chất cơ bản:

Hóa dầu và hóa chất cơ bản là vật tư nguyên liệu chủ yếu cho nhiều lĩnh vực sản xuất. Sự phát triển của các ngành này có tác động thúc đẩy nhiều lĩnh vực sản xuất khác phát triển như phân bón, giấy, nhựa, kính thủy tinh, chế biến quặng, luyện kim, hóa dầu, thuộc da, dệt nhuộm, ắc quy, xà phòng và chất tẩy rửa, hóa chất xử lý nước, thực phẩm, dược phẩm, thuốc BVTV, phụ gia bột màu và sơn, phụ gia bê tông, v.v...

Nước ta có tiềm năng về dầu khí, là điều kiện cần thiết để phát triển công nghiệp hoá dầu. Hóa chất cơ bản khác có thể phát triển trên cơ sở các nguồn nguyên nhiên liệu có sẵn trong nước như muối cho sản xuất xút, đá vôi cho sản xuất Sô đa và bột nhẹ; quặng apatit, dầu mỏ và than đá cho sản xuất các loại axít... Do vậy, phát triển các loại sản phẩm hóa dầu, hóa chất cơ bản là tạo điều kiện để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phân ngành Cao su kỹ thuật Sản phẩm cao su kỹ thuật:

Bao gồm các loại sản phẩm cao su có yêu cầu tính năng đặc biệt, có phạm vi ứng dụng trong công nghiệp khác với sản phẩm cao su dân dụng thông thường: Băng tải; Dây Cua-roa (đai truyền động); Sản phẩm cao su kỹ thuật khác (gioăng, đệm và các loại phụ tùng xe, phụ tùng máy khác).

Do đặc thù phức tạp về chủng loại sản phẩm và công nghệ sản xuất nên ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tuy nhiên, đây là lĩnh vực lợi thế từ nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên và nhu cầu thị trường còn rất lớn dựa vào sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp liên quan như lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện điện tử…. Các chi tiết cao su kỹ thuật trong ô tô, xe máy, sản phẩm điện, điện tử cũng mang lại giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với các sản phẩm săm, lốp.

Phân ngành Phân bón:

 Phân bón có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và nhất là vấn đề an ninh lương thực, là yếu tố then chốt giúp đảm bảo năng suất thu hoạch trong nông nghiệp. Dân số tăng, đô thị hoá càng ngày càng cao, dẫn đến đất canh tác nông nghiệp bị giảm dần.

Vì vậy nâng cao năng lực sản xuất và sử dụng các loại phân bón hiệu quả cao sẽ là những bước đi cần thiết đầu tiên để đáp ứng những thách thức mới về an ninh lương thực của thế kỷ 21. Đến nay, về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước các sản phẩm phân bón phổ biến: đạm, lân, NPK, 75% DAP. Do vậy, với ngành phân bón, tập trung phát triển theo chiều sâu, phát triển các sản phẩm phân bón tính năng cao, thân thiện với môi trường.

Phân ngành Hóa dược:

Phân ngành Hóa dược có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh y tế, tuy nhiên ngành công nghiệp Hóa dược Việt Nam chưa thực sự được phát triển. Quy mô ngành công nghiệp Hóa dược Việt Nam theo đánh giá chung còn nhỏ bé, chủng loại sản phẩm còn nghèo nàn, phát triển không cân đối, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của công nghiệp bào chế dược phẩm. Hiện tại, ngành Hóa dược Việt Nam chưa tự sản xuất được các nguyên liệu chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu bào chế thuốc của ngành dược.

Hầu hết các nguyên liệu hóa dược phải nhập khẩu, lệ thuộc vào sự chi phối giá cả của các tập đoàn dược phẩm trên thế giới. Phần lớn hóa chất cơ bản, hóa chất trung gian vẫn phải nhập khẩu. Việc áp dụng các chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược là cần thiết để đảm bảo an ninh y tế, tận dụng lợi thế từ nguồn dược liệu phong phú, đa dạng của Việt Nam.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030:

Xây dựng ngành công nghiệp hoá chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp.

Hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất cung ứng trong khu vực và thế giới. 

 Phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn. 

Đến năm 2040: Công nghiệp hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu...

Tạp chí Công Thương
Tin tức liên quan
TP. Hồ Chí Minh: Phổ biến Nghị định số 33/2024/NĐ-CP về cấm vũ khí hoá học ở phía Nam
Đăng ngày: 18/04/2024

TP. Hồ Chí Minh: Phổ biến Nghị định số 33/2024/NĐ-CP về cấm vũ khí hoá học ở phía Nam

Nghị định số 33/2024/NĐ-CP quy định về thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học có nhiều thay đổi so với Nghị định cũ.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hoá chất hiểu hơn về thực hiện Công ước cấm vũ khí hoá học
Đăng ngày: 11/04/2024

Hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hoá chất hiểu hơn về thực hiện Công ước cấm vũ khí hoá học

Ngày 10/4/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Hoá chất tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 33/2024/NĐ-CP ngày 27/3/2024 của Chính phủ quy định về việc thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học.

(Tiếp theo) Chuỗi Hội thảo tham vấn ý kiến xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi)
Đăng ngày: 05/04/2024

(Tiếp theo) Chuỗi Hội thảo tham vấn ý kiến xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi)

Tiếp nối chuỗi Hội thảo tham vấn ý kiến xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, ngày 25-26/3/2024, Cục Hóa chất tổ chức Hội thảo tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam đặt mục tiêu đáp ứng 30% nguyên liệu sản xuất thuốc và chế phẩm y tế vào năm 2045
Đăng ngày: 02/04/2024

Việt Nam đặt mục tiêu đáp ứng 30% nguyên liệu sản xuất thuốc và chế phẩm y tế vào năm 2045

Dự thảo Chương trình Phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu, năm 2045 đáp ứng 30% nguyên liệu sản xuất thuốc và các chế phẩm y tế.

Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương
Đăng ngày: 29/03/2024

Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Ngày 27/3/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã trao Bằng khen của Bộ trưởng cho đơn vị tiêu biểu, đã có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo kịp thời lượng Oxy đáp ứng việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

(Tiếp theo) Hội thảo tham vấn ý kiến xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi)
Đăng ngày: 29/03/2024

(Tiếp theo) Hội thảo tham vấn ý kiến xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi)

Tiếp nối chuỗi Hội thảo tham vấn ý kiến xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, ngày 21-22/3/2024, Cục Hóa chất tổ chức Hội thảo tại Thành phố Đà Nẵng.

X

Đăng ký nhận thông tin

Ô có dấu * cần điền đầy đủ thông tin
Top